CÔNG DỤNG CỦA CÂY CHÙM NGÂY - LOẠI CÂY DINH DƯỠNG
Cây chùm ngây hay ba đậu dại(tên khoa học: Moringa oleifera) là loài thực vật thân gỗ phổ biến nhất trong Chi Chùm ngây (tên khoa học: Moringa) thuộc họ Chùm ngây (Moringaceae), xuất xứ từ vùng Nam Á nhưng cũng mọc hoang và được trồng, khai thác, sử dụng nhiều nơi trên thế giới do có giá trị kinh tế cao.
Tên tiếng anh của cây chùm ngây : Horseradish tree (cây cải ngựa), Drumstick tree( cây dùi trống), Bel-oil tree (cây dầu bel)
Cây chùm ngây thân mộc cao cỡ trung bình, ở độ tuổi trưởng thành cây có thể mọc cao hàng chục mét. 1 năm tuổi để mọc tự nhiên có thể cao tới 5-6m đường kính thân đạt khoảng 10 cm. Cây chùm ngây trưởng thành mất khoảng 3-4 năm. Thân cây chùm ngây vỏ trắng đục, không có gai. Lá kép dài 30–60 cm, tương tự lá rau ngót nhưng nhỏ hơn, màu xanh bạc; lá chét dài 12–20 mm hình trứng, mọc đối xứng có 6-9 đôi. Cây chùm ngây trổ hoa vào các tháng 1–2. Hoa trắng sữa, có cuống, hình dạng giống hoa đậu, mọc thành chùy ở nách lá, có lông tơ, nhiều mật. Quả dạng nang treo, dài 25–40 cm, ngang 2 cm, có 3 cạnh, chỗ có hạt hơi gồ lên, dọc theo quả có khía rãnh. Hạt màu đen, tròn có 3 cạnh, lớn cỡ hạt đậu Hà Lan.
Thành phần dinh dưỡng có trong quả cây chùm ngây tươi:
Giá trị dinh dưỡng 100 g (3,5 oz)
Năng lượng 155 kJ (37 kcal)
Cacbohydrat 8.53 g
Chất xơ thực phẩm 3.2 g
Chất béo 0.2 g
Protein 2.1 g
Nước 88.2 g
Vitamin A quy đổi t.đương 4 μg (0%)
Thiamin (Vit. B1) 0.053 mg (4%)
Riboflavin (Vit. B2) 0.074 mg (5%)
Niacin (Vit. B3) 0.62 mg (4%)
Axit pantothenic (Vit. B5) 0.794 mg (16%)
Vitamin B6 0.12 mg (9%)
Axit folic (Vit. B9) 44 μg (11%)
Vitamin C 141 mg (235%)
Canxi 30 mg (3%)
Sắt 0.36 mg (3%)
Magie 45 mg (12%)
Mangan 0.259 mg (13%)
Phospho 50 mg (7%)
Kali 461 mg (10%)
Natri 42 mg (2%)
Kẽm 0.45 mg (5%)
(nguồn USDA)
Thành phần dinh dưỡng lá cây chùm ngây tươi (rau chùm ngây):
Giá trị dinh dưỡng 100 g (3,5 oz)
Năng lượng 268 kJ (64 kcal)
Cacbohydrat 8.28 g
Chất xơ thực phẩm 2 g
Chất béo 1.4 g
Protein 9.4 g
Nước 78.66 g
Vitamin A quy đổi t.đương 378 μg (42%)
Thiamin (Vit. B1) 0.257 mg (20%)
Riboflavin (Vit. B2) 0.66 mg (44%)
Niacin (Vit. B3) 2.22 mg (15%)
Axit pantothenic (Vit. B5) 0.125 mg (3%)
Vitamin B6 1.2 mg (92%)
Axit folic (Vit. B9) 40 μg (10%)
Vitamin C 51.7 mg (86%)
Canxi 185 mg (19%)
Sắt 4 mg (32%)
Magie 147 mg (40%)
Mangan 1.063 mg (53%)
Phospho 112 mg (16%)
Kali 337 mg (7%)
Natri 9 mg (0%)
Kẽm 0.6 mg (6%)
Nguồn: USDA
Thông tin về cây chùm ngây (rau chùm ngây) :
Các bộ phận của cây chùm ngây chứa nhiều khoáng chất quan trọng, giàu chất đạm, vitamin, beta-caroten, acid amin và nhiều hợp chất phenol. Cây chùm ngây cung cấp một hỗn hợp gồm nhiều hợp chất quý hiếm như zeatin, quercetin, alpha-sitosterol, caffeoylquinic acid và kaempferol. Một số nguồn nghiên cứu cho biết cây chùm ngây chứa hơn 90 chất dinh dưỡng tổng hợp bao gồm 7 loại vitamin, 6 loại khoáng chất, 18 loại acid amin, 46 chất chống ôxi hóa, liều lượng lớn các chất chống viêm nhiễm, các chất kháng sinh, kháng độc tố, các chất giúp ngăn ngừa và điều trị ung thư, u xơ tiền liệt tuyến, giúp ổn định huyết áp, hạ cholesterol, bảo vệ gan.
– Lá cây chùm ngây hay còn gọi là rau chùm ngây còn chứa nhiều dưỡng chất hơn cả quả và hoa, tính theo trọng lượng, trong đó vitamin C hơn cam 7 lần, vitamin A hơn cà rốt 4 lần, canxi gấp 4 lần sữa, sắt gấp 3 lần cải bó xôi, đạm nhiều gấp đôi sữa chua và potassium gấp 3 lần trái chuối
– Cây chùm ngây rất dễ trồng, có thể trồng từ hạt, hom cành, hom củ và trồng được quanh năm. Vùng thiếu nước nên trồng vào mùa mưa, tức khoảng tháng 4, tháng 5. cây chùm ngây được trồng nhiều ở những vùng đất khô hạn khắc nghiệt nhiệt đới hoặc bán nhiệt đới. Cây chuộng đất ráo nước, nhiều cát, dù là đất xấu cũng dễ mọc, chịu được hạn hán, ưa nắng, hầu như không bị sâu bệnh hại do đó chăm sóc cây không cần điều kiện gì đặc biệt về phân bón và nước tưới. Tuy nhiên cây chùm ngây không chịu được úng ngập và dễ chết nếu không được thoát nước tốt. Biểu hiện ban đầu của sự dư nước dưới rễ chùm ngây là trên lá cây xuất hiện những đốm trắng, khi đó người trồng cây chùm ngây cần ngưng tưới hoặc tìm cách thoát nước cho cây.
Trong ẩm thực, Cách chế biến rau chùm ngây:
– Lá non và thậm chí cả lá già của rau chùm ngây được sử dụng để nấu canh với thịt, tôm, nấm hoặc nấu suông (mùi vị tương tự rau ngót), trộn salad, ăn sống, xào thịt, trứng, xay nhuyễn thành nước sinh tố. Lá chùm ngây phơi khô tán bột có thể để rất lâu mà không mất dinh dưỡng, sử dụng cho nhiều món ăn như cháo, bột trẻ em, nhào bột bánh, pha nước uống. Hoa cây chùm ngây có nhiều mật ngọt và giàu dinh dưỡng, làm rau hoặc phơi khô dùng nấu lấy nước uống như một loại trà. Trái non được dùng xào, nấu canh, hầm xương, ninh súp như đậu cô ve và cho hương vị gần tương tự măng tây. Khi già, hạt chùm ngây có thể rang ăn như đậu phộng. Rễ non của cây ăn sống hoặc làm gia vị như cải ngựa (mù tạt). Tuy nhiên tương tự rau ngót, lô hội, hạn chế sử dụng rau và các chế phẩm từ cây chùm ngây cho phụ nữ đang mang thai.
– Chú ý khi chế biến rau chùm ngây chỉ cần vừa chín tới để bảo tồn tốt nhất dưỡng chất, không cần nhiều rau vì lượng dinh dưỡng trong rau rất cao, nêm ít gia vị, không cần hoặc cần rất ít mì chính vì rau có vị ngọt đậm tự nhiên.
– Hạt khô của cây chùm ngây có thể được ứng dụng để làm hoạt chất lọc nước hoặc ép lấy dầu. Chất dầu trong hạt có phẩm chất tốt, màu vàng tươi sáng với một hương vị dễ chịu có được so sánh chất lượng với dầu oliver, để rất lâu không hỏng và được sử dụng làm dầu ăn.
Một số phương pháp chế biến và sử dụng rau chùm ngây
– Rau sống: lá tươi dùng trộn ăn sống như rau xà lách
– Nước sinh tố: xay 20gr lá rau chùm ngây chung với 2 muỗng cafe sữa, 2 muỗng café đường sữa uống như uống sinh tố
– Nấu canh: 100gr lá rau chùm ngây nấu chung với 50gr thịt bò hoặc heo, hoặc nấu chay với 100gr nấm.
– Những món ăn từ rau chùm ngây : rau chùm ngây nấu thịt băm, rau chùm ngây xào thịt bò, rau chùm ngây nấu tôm, Gỏi chùm ngây trộn tôm thịt,…
Cách chế biến rau chùm ngây, canh rau chùm ngây nấu thịt băm ngon mà bổ dưỡng
Một số cách chế biến rau chùm ngây cho bé:
– Cách 1: với bé trên 6 tháng ăn dặm: (đặc biệt tốt với trẻ bị thiếu sữa hoặc lười uống sữa): xay nhỏ mịn lá non, lọc kỹ lấy nước rồi nấu với bột loãng.
– Cách 2: sau khi nấu cháo thịt chín, bạn xào qua 1 ít rau rồi băm nhỏ/xay lên cho vào cháo thêm 1,2′ sôi, để nguội cho bé ăn: khá là thơm ngon mà cực kỳ bổ dưỡng. Bạn có thể cho thêm 1 vài giọt dầu oliu.
– Cách 3: với các bạn lớn đã biết ăn thô: xào rau băm nhỏ/xay, trộn với thịt viên và rim nhạt. (với bạn nào ko chịu ăn rau thì cách này khá hiệu quả).